Sau thời gian thực hiện “ai ở đâu ở yên đó” theo chỉ thị 16, các địa phương ở miền Tây đã lần lượt nới lỏng giãn cách xã hội. Hôm qua TP Cần Thơ cũng đã áp dụng chỉ thị 15 trên toàn TP.
Vài xã có dịch, cả tỉnh phải chờ
Tại An Giang, từ ngày 7-9 toàn tỉnh đã giãn cách theo chỉ thị 15 và đến nay nhiều nơi trong tỉnh đã kiểm soát được dịch. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Bình – chủ tịch UBND tỉnh An Giang – cho hay địa phương sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị 15 toàn tỉnh để tập trung dập các ổ dịch mới nổi tại các huyện cù lao.
“Tuần sau UBND tỉnh sẽ bàn bạc kỹ với doanh nghiệp để xem nới lỏng và tạo điều kiện mở cửa một số ngành hàng cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất nhưng phải có kiểm soát. Còn hiện tại chưa mở cửa vì có nhiều địa phương trong tỉnh vẫn có ổ dịch” – ông Bình nói.
Một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết người dân từ nơi khác tự di chuyển về An Giang phải chứng minh đã tiêm đủ 2 liều vắc xin sau 14 ngày và có xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ mới được vào tỉnh và phải cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. “Các trường hợp khác trở về (kể cả đã tiêm 1 liều vắc xin, có PCR âm tính) phải cách ly tập trung 14 ngày và tự chịu chi phí cách ly, xét nghiệm” – lãnh đạo Sở Y tế nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Học, cán bộ hưu trí, cho rằng ở các huyện, TP nơi dịch COVID-19 đã tạm lắng, chính quyền nên mở cửa để giúp dân phục hồi sản xuất kinh doanh. Ông đề nghị chính quyền tỉnh An Giang nên làm như Thủ tướng đã chỉ đạo, nơi nào có dịch thì phong tỏa diện hẹp. Phòng chống dịch theo tình hình mới là thích nghi, an toàn, hiệu quả.
“Bây giờ ở An Giang chỉ có vài xã của một số huyện cù lao như Chợ Mới, Phú Tân và Tân Châu có dịch, cần xử lý nhanh. Còn những nơi khác không có dịch như Long Xuyên, Châu Đốc nên mở cửa cho dân làm ăn. Nên cho doanh nghiệp hoạt động trở lại và cho họ tự chịu trách nhiệm an toàn dịch bệnh” – ông Học đề nghị.
Là huyện vùng xanh của An Giang nhưng 13 xã, thị trấn của huyện Châu Phú đều có chốt chặn khắp nơi để kiểm soát người ra đường. “Châu Phú là vùng xanh nên cho bà con đi lại thuận tiện trong huyện sẽ hay hơn là hiện nay” – ông T., ngụ xã Khánh Hòa, nói.
Chúng tôi biết người dân bức bối vì đã lâu không được đi lại, nhiều người có lý do rất chính đáng nhưng cũng chưa đi được. Tuy nhiên, tôi mong người dân đồng hành cùng chính quyền thêm một thời gian ngắn nữa, chờ khi dịch bệnh thật sự an toàn, và nhất là giữ ổn định dân cư để tiêm vắc xin theo khuyến cáo.
Ông Nguyễn Lưu Trung (phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang)
Chỉ thị 19 nhưng… “bó chân”
Theo chỉ thị 19 của Thủ tướng, vận tải hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh được phép hoạt động trở lại. Thế nhưng, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, các hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt là vận tải hành khách liên tỉnh, ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn “án binh bất động”, chỉ có vận tải hàng hóa được duy trì và được kiểm soát chặt chẽ.
Từ 0h ngày 30-9, tỉnh Kiên Giang chuyển từ giãn cách theo chỉ thị 15 sang chỉ thị 19 trên toàn tỉnh, trừ một số xã, phường, khu phố thuộc các địa phương Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Lương, Châu Thành. Tuy nhiên, người dân tỉnh này vẫn chưa được phép đi liên huyện. Người dân muốn đi liên huyện phải xin giấy đi đường xác định điểm đi – điểm đến, có xét nghiệm COVID-19 âm tính.
Ông Nguyễn Lưu Trung – phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – cho hay giãn cách theo chỉ thị 19 tức là nguy cơ dịch bệnh vẫn còn. Người dân cần tiếp tục hạn chế ra đường, chỉ đi lại khi thật sự cần thiết. Kiên Giang đang triển khai tiêm vắc xin cùng lúc với xét nghiệm tầm soát diện rộng, cho nên vẫn phải hạn chế người dân đi liên huyện trong một thời gian nữa.
Tương tự, chiều 30-9 UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định hạ mức giãn cách từ chỉ thị 15 xuống mức chỉ thị 19 từ 0h ngày 1 đến hết 15-10, trừ các địa bàn, khu vực còn đang thực hiện phong tỏa, áp dụng chỉ thị 16 để phòng chống dịch.
Dù vậy, UBND tỉnh Vĩnh Long vẫn tạm dừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh và giao các địa phương, sở ngành kiểm soát chặt người ra vào tỉnh và các phương tiện vận chuyển hàng hóa. Thương lái thu mua nông sản, những người đi khám chữa bệnh ngoài tỉnh trở về cũng được kiểm soát chặt.
Tất cả người dân không được di chuyển ra vào tỉnh, trừ trường hợp được cho phép của chủ tịch UBND tỉnh hoặc người được chủ tịch tỉnh phân công. Đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly y tế đối với người từ các tỉnh thành có dịch vào Vĩnh Long. Học sinh toàn tỉnh vẫn tiếp tục học trực tuyến.
Anh N.M.T. (ngụ thị xã Bình Minh) cho biết anh và rất nhiều người dân thị xã có việc làm tại TP Cần Thơ. “Hiện tại, Cần Thơ đã áp dụng chỉ thị 15, một số vùng dịch đã được khoanh chặt chẽ. Nếu tiếp tục cấm người dân ra vào tỉnh thì công việc tiếp tục đình trệ, kinh tế gia đình kiệt quệ. Với cụm từ “vùng có dịch” như quyết định của tỉnh nêu thì rất khó, không thể đánh đồng cả tỉnh nào đó là vùng có dịch được. Theo tôi, lãnh đạo cần phải xem xét các yếu tố, người đã tiêm vắc xin hay chưa, nơi đi, nơi đến đều là vùng xanh thì nên nới để người dân đi làm việc” – anh T. kiến nghị.
Bình luận tại đây