Thời sự

Áp thấp nhiệt đới chưa vào bờ nhưng các tỉnh miền Trung mưa rất to, có nơi 600mm

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 7h sáng 6-10, áp thấp nhiệt đới ở cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 270km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7h ngày 7-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7h ngày 8-10, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km.

Áp thấp nhiệt đới chưa vào bờ nhưng các tỉnh miền Trung mưa rất to, có nơi 600mm - Ảnh 2.

Sơ đồ dự báo áp thấp nhiệt đới – Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; sóng biển cao từ 2-3m, biển động mạnh. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 1,5-2,5m, biển động.

Ngoài ra, ở phía Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh.

Từ nay (6-10) đến ngày 8-10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa tại khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum phổ biến 300-500mm/đợt, có nơi trên 600mm/đợt.

Ở khu vực từ Bình Định đến Phú Yên và Gia Lai phổ biến từ 100-300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt.

Từ ngày 9 đến 12-10, mưa lớn mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Hồ thủy lợi lớn nhất Nghệ An xả tràn

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, từ chiều 5-10, hồ Vực Mấu – hồ thủy lợi lớn nhất của tỉnh Nghệ An – bắt đầu xả 2 cửa tràn đạt 280m3/s, sau đó giảm mức xuống còn 138m3/s. Đây là lần thứ hai trong vòng nửa tháng qua hồ Vực Mấu phải xả tràn.

Xí nghiệp Thủy lợi Hoàng Mai – đơn vị vận hành hồ Vực Mấu, cho biết đã thông báo cho 15 phường, xã trên địa bàn thuộc thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu được biết để người dân di dời tài sản.

Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn, nhiều đoạn quốc lộ 1 qua thị xã Hoàng Mai nước dâng ngập bánh xe. Nhiều phương tiện gặp khó khăn khi di chuyển qua đây.

Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An có công điện khẩn gửi các địa phương nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá…trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Bình luận tại đây