U23 Việt Nam thua tất cả các trận bị thẻ đỏ ở giải U23 châu Á 3 kỳ gần đây.
Thẻ đỏ của Mạnh Hưng trước U23 Iraq
U23 Việt Nam đã toàn thua trong những trận bị trọng tài phạt thẻ đỏ ở 3 kỳ U23 châu Á gần nhất. Trung vệ Trần Đình Trọng bị đuổi trong trận cuối vòng bảng năm 2020 thua U23 CHDCND Triều Tiên, thủ môn Quan Văn Chuẩn bị thẻ đỏ trực tiếp trong hiệp 2 trận gặp U23 Saudi Arabia tại tứ kết năm 2022, và mới đây hậu vệ Mạnh Hưng bị truất quyền thi đấu ở cuối trận thua U23 Iraq cũng ở tứ kết.
Năm nay các đội tuyển Việt Nam đã bị thẻ đỏ rất nhiều
Thực tế từ khi VAR được áp dụng bóng đá Việt Nam đã bộc lộ sự thiếu kiềm chế trong tranh chấp của các cầu thủ, dẫn tới rất nhiều quyết định thua thiệt. Các đội tuyển bóng đá Việt Nam đã thắng 2, hòa 1 và thua tận 15 trận trong các trận đấu VAR được áp dụng. Riêng chỉ từ đầu năm 2024 các đội tuyển bóng đá nam của Việt Nam đã bị tới 6 thẻ đỏ.
Cho nên vấn đề thẻ phạt không còn chỉ là riêng của các lứa tuyển trẻ, bởi nếu chỉ xảy ra với các cầu thủ trẻ ít kinh nghiệm thì đây là vấn đề chung của bóng đá nhiều nước chứ không riêng Việt Nam. Nhưng bóng đá Việt Nam lại gặp rắc rối vì VAR nhiều nhất chỉ riêng trong tương quan so sánh với bóng đá các nước Đông Nam Á khác, cho thấy một sự chấn chỉnh là rất cần thiết trong công tác huấn luyện.
Vấn nạn đá bẩn, tiểu xảo và vào bóng triệt hạ ở các giải trẻ tại Việt Nam đã bị báo chí nhắc tới trong nhiều năm trước đây. Nhưng công nghệ VAR ngày càng phổ biến đồng nghĩa sự phát hiện các pha bóng bạo lực càng dễ dàng ở cấp độ quốc tế, trong khi VAR mới chỉ đến V-League gần đây và vẫn chưa đủ sức để được ứng dụng ở tất cả các trận qua mỗi vòng.
Thế nên chúng ta có những cầu thủ nội vẫn chơi tiểu xảo và vào bóng rắn ở V-League hay giải hạng Nhất trước khi mang thói quen đó sang đấu trường quốc tế, đa phần đã hình thành thói tiểu xảo từ các giải trẻ. Cần nói rõ điều này: Không phải cầu thủ nào của chúng ta bị thẻ đỏ ở đấu trường quốc tế cũng là do chơi xấu (thẻ đỏ của Mạnh Hưng là khá không may bởi anh vào bóng chậm một nhịp trong khi cầu thủ U23 Iraq đã mất thăng bằng khi phá bóng).
VAR ngày càng phổ cập ở các giải quốc tế nhưng lại áp dụng ít ỏi ở Việt Nam
Nhưng nếu cầu thủ không được giáo dục hành vi và có sự tập huấn để thận trọng trong tranh chấp, những tấm thẻ đỏ sẽ còn xuất hiện với các đội tuyển. Chúng ta phải nhìn nhận rằng với thể chất thường kém hơn khi đá các giải châu Á, một khi mất người là các đội tuyển của Việt Nam gặp khó khăn trong việc tránh thất bại.
Dù vậy sự thay đổi phải đến từ chính các CLB và các cầu thủ, đừng đổ lỗi cho VFF, VPF hay bất cứ tổ chức nào vốn chỉ có trách nhiệm quản trị. Ngô Hoàng Thịnh đã bị treo giò rất nặng sau chấn thương của Đỗ Hùng Dũng nhưng những án phạt như thế đâu có khiến các cầu thủ và huấn luyện viên thay đổi tư tưởng?
Không chỉ chúng ta, LĐBĐ Trung Quốc ra án phạt như cơm bữa cho các hành vi bạo lực ở bóng đá trong nước nhưng đổi lại giải Super League lẫn các giải trẻ vẫn còn nạn cầu thủ đánh nhau hay đánh trọng tài vì bị phạt 11m. Năm ngoái Wei Shihao đá vào mặt Xuân Mạnh ở AFC Champions League, trước đó tiền đạo này đã 2 lần bị phạt trong nước vì những sự cố chửi trọng tài hay xô xát với đối thủ. Vì thế, có thể nói mọi án phạt đều vô nghĩa nếu cầu thủ không tự chấn chỉnh và được CLB vun vào.
Nguồn: [Link nguồn]Nguồn: [Link nguồn]
(U23 Việt Nam – U23 Iraq, tứ kết U23 châu Á) Một quả penalty đã tạo ra bước ngoặt của trận cầu nhiều điểm nhấn ở hiệp 2.