(PLO)- HLV Hoàng Anh Tuấn cùng các cộng sự sau khi sớm giúp tuyển U-23 Việt Nam giành một suất vào tứ kết giải U-23 châu Á 2024 sẽ còn phải tìm cách nhất bảng D để tránh nhà đương kim vô địch Saudi Arabia.
Đúng như dự báo khiêm tốn của HLV Hoàng Anh Tuấn, đội tuyển U-23 Việt Nam đã thắng hai trận vòng bảng không dễ dàng nhưng không quá khó khăn để hoàn thành mục tiêu vào tứ kết. Cuộc chơi của bóng đá trẻ Việt Nam bây giờ mới gặp những thử thách khắc nghiệt hơn, dù sau 180 phút trải nghiệm ở đấu trường lớn châu Á đã rút ra nhiều bài học quý.
Khi “tiểu hổ” Malaysia sập bẫy U-23 Việt Nam…
Năm cuộc đối đầu gần nhất, U-23 Malaysia không biết thắng U-23 Việt Nam và trận đấu mới nhất ở vòng chung kết U-23 châu Á cũng thế. Các học trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã chơi bóng nhẹ nhàng hơn, tỉnh táo và thận trọng hơn, không còn những màn tấu hài như ở trận ra quân thắng Kuwait 3-1 nữa.
Khuất Văn Khang từng có những pha bóng xử lý vội vàng, không đúng với đẳng cấp của mình, nhưng cú sút phạt kiểu lá vàng rơi vào lưới U-23 Malaysia là một tuyệt phẩm. Nó không phải ăn may, bởi tiền vệ của Viettel có một lần suýt làm cháy lưới đội tuyển Hàn Quốc hồi năm ngoái, cùng từ quả đá phạt hàng rào ngoài 20 mét như thế, bóng vẽ thành nửa khối cầu vồng chạm cột dọc bên trái thủ môn. Còn cú sút vào lưới Malaysia, bóng lượn vào góc chữ A bên phải, không cho người gác đền có chút cơ may chạm mấy đầu ngón tay vào bóng.
U-23 Việt Nam khuất phục “tiểu hổ” Malaysia để sớm giành vé chơi tứ kết giải U-23 châu Á. Ảnh: AN.
Chính cú sút thần sầu đó của Khuất Văn Khang đã khuất phục những chú “tiểu hổ” Malaysia và tạo điều kiện rất tốt cho HLV Hoàng Anh Tuấn thay đổi chiến thuật để tiếp tục khiến đối thủ sập bẫy. Trò chơi phòng ngự phản công thuần thục của các tuyển thủ U-23 Việt Nam đã buộc hậu vệ Malaysia phạm lỗi rõ ràng với siêu dự bị Bùi Vĩ Hào, mà ông trọng tài chẳng cần xem lại VAR để cho Minh Khoa sút thắng trên chấm phạt đền.
Điều quan trọng hơn của U-23 Việt Nam ở trận thắng thứ hai vòng bảng, mở toang cửa vào tứ kết chính là tinh thần đồng đội quả cảm và tập trung đến phút cuối cùng, không để lộ những sai lầm cá nhân ngớ ngẩn. Lối chơi của học trò HLV Hoàng Anh Tuấn không làm người yêu bóng đá hồi hộp nhiều, hoặc vừa cười vừa run như trận mở màn.
Cuộc chơi lớn chỉ mới bắt đầu
Chắc chắn ông thầy người Khánh Hòa đã tính toán rất kỹ cho hai trận thắng đầu tiên ở vòng bảng để giành suất đi tiếp, trước khi nghĩ cách thắng cả U-23 Uzbekistan, dù biết điều này không đơn giản chút nào. Bóng đá trẻ Uzbekistan có bốn lần vào tốp bốn đội mạnh nhất U-23 châu Á, từng đánh bại U-23 Việt Nam trong trận chung kết ở Thường Châu năm 2018 thì rõ ràng họ rất mạnh.
Thử thách cho thầy trò Hoàng Anh Tuấn sẽ khắc nghiệt hơn từ trận cuối vòng bảng với U-23 Uzbekistan và hướng đến loạt trận knock out. Ảnh: AN.
Ưu thế khác của thầy trò Timur Kapadze là đang dẫn đầu bảng D, có cùng 6 điểm với U-23 Việt Nam nhưng sở hữu hiệu số bàn thắng bại vượt trội (+7 so với +3). Vì thế, U-23 Uzbekistan chỉ cần hòa thầy trò Hoàng Anh Tuấn ở trận cuối ngày 23-4 là chắc ngôi nhất bảng, vào tứ kết gặp đội nhì bảng C, không phải nhà đương kim vô địch Saudi Arabia.
Đây mới là vấn đề của U-23 Việt Nam khi rơi vào thế phải thắng Uzbekistan mới có thể “tránh voi” Saudi Arabia quá mạnh. Họ đang nhất bảng C sau hai cơn mưa gôn 4-2 vào lưới Tajikistan và vùi dập Thái Lan năm bàn không gỡ. Cho nên thầy trò Hoàng Anh Tuấn không muốn “chả xấu mặt nào” thì chỉ có mỗi con đường qua mặt Uzbekistan.
Vẫn như cách nói cẩn trọng đầy toan tính của ông thầy trẻ người Khánh Hòa rằng trong bóng đá không thể nói trước điều gì, và hy vọng U-23 Việt Nam sẽ vượt qua những thử thách nhiều chông gai ở cuộc chơi lớn châu Á.
Nguồn: [Link nguồn]Nguồn: [Link nguồn]
(PLO)-Trường hợp tuyển futsal Việt Nam thua thế lực Uzbekistan ở tứ kết thì “cơ hội 2” tranh vé World Cup ra sao?