Khi dòng luân chuyển ngôi sao trong bóng đá đỉnh cao bỗng chậm hẳn, đấy là điều đáng buồn cho rất nhiều thành phần liên quan. Giới hâm mộ không có cơ hội thưởng lãm tài năng của các ngôi sao họ chờ đợi sẽ gia nhập đội bóng của mình. Hảo thủ không được bay bổng ở các giải đấu cao cấp, tương xứng với tài năng. CLB mạnh… không còn mạnh nữa. Đây là nguy cơ trước mắt!
Mùa chuyển nhượng hiện tại y như chợ chiều
Cách đây chỉ mới 2 năm, ít nhất có đến nửa tá cầu thủ chuyển nhượng trong “cửa sổ mùa đông” với giá trên 40 triệu euro. Enzo Fernandez từ Benfica chuyển sang Chelsea với giá chuyển nhượng lên đến 121 triệu euro. Dusan Vlahovic cũng có giá khủng (83 triệu euro) khi chuyển từ Fiorentina đến Juventus. Ngoài ra, Mykhailo Mudrik (Shakhtar đến Chelsea), Anthony Gordon (Everton đến Newcastle), Cody Gakpo (PSV đến Liverpool)…
Từng có những hợp đồng đình đám xuất hiện ở kỳ chuyển nhượng mùa đông
Trong lĩnh vực chuyển nhượng cầu thủ, ai cũng biết “cửa sổ mùa đông” không sánh được với “cửa sổ mùa hè”, cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhưng, dù ít hay nhiều đợt chuyển nhượng giữa mùa thường vẫn không thiếu những bản hợp đồng nổi đình nổi đám. Bruno Fernandes, Aymeric Laporte, Diego Costa, Fernando Torres… đều là các ngôi sao chuyển nhượng giữa mùa, làm báo giới tốn nhiều giấy mực.
Vậy mà bây giờ, “cửa sổ mùa đông” 2025 chỉ đang trôi qua một cách lờ đờ. Chưa thấy bản hợp đồng lớn nào, tính đến cột mốc giữa tháng 1. Hơn chục triệu bảng là đủ lọt vào “top 10”. Trong số 5 bản hợp đồng lớn nhất tính đến ngày 16/1, có một cú chuyển nhượng “nội bộ” giữa 2 CLB Brazil, 1 cú chuyển từ đội Al Nassr ở Trung Đông sang Rennes, 2 cú hướng đến các đội đang chật vật chống rớt hạng ở Premier League gồm Ipswich và Wolverhampton.
Trớ trêu thay, đây là mùa bóng mà hàng loạt “đại gia” đang gặp vấn đề và giới quan sát cứ mải trông ngóng những cú chuyển nhượng lớn vào giữa mùa, như giải pháp quan trọng để các đại gia xoay chuyển tình thế. Manchester City đứng tận vị trí số 6 ở Premier League, trong khi M.U còn thảm hại hơn dưới tay tân HLV Ruben Amorim. Cùng với M.U, Tottenham cũng đang đứng ở nửa dưới của bảng xếp hạng. Tại Tây Ban Nha, cả hai ông lớn Real, Barcelona đều đang đứng dưới Atletico Madrid.
Nhìn vào danh sách cầu thủ sắp hết hợp đồng, càng đáng ngạc nhiên khi thấy hàng loạt ngôi sao đang tỏa sáng. Trên nguyên tắc, các ngôi sao dạng này có xác suất chuyển nhượng rất cao trong “cửa sổ mùa đông” vì CLB chủ quản sẽ trắng tay khi họ tự do ra đi vào cuối mùa bóng. Mặt khác, các đội mạnh đang cần bổ sung cầu thủ rất dễ mua được ngôi sao dạng này bởi tất nhiên giá chuyển nhượng sẽ không cao.
Đợi đến cuối mùa các CLB không tốn phí chuyển nhượng, nhưng dễ gì ký được hợp đồng, do có nhiều đội cạnh tranh. Chỉ riêng Liverpool đã có đến 3 hảo thủ sắp hết hợp đồng gồm Virgil Van Dijk, Trent Alexander-Arnold, Mohamed Salah. Bayern Munich có Joshua Kimmich, Alphonso Davies, Leroy Sane. Manchester City có Kevin de Bruyne. Arsenal có Thomas Partey. Ngay cả Lionel Messi cũng sắp hết hợp đồng với CLB Mỹ Inter Miami… Nhưng tất cả đều đang án binh bất động.
Bộ 3 Salah – Van Dijk – Arnold của Liverpool chưa rõ tương lai, dù sắp hết hợp đồng
Ngôi sao rớt giá là có thật
Trước đây, giới bình luận thường xuyên chỉ trích tình trạng “lạm phát chuyển nhượng”. Các ngôi sao hàng đầu thế giới liên tục tăng giá, đến mức độ “anh hào hạng hai” cũng dễ dàng vươn đến cột mốc 100 triệu euro. Các siêu CLB chi tiền như rải giấy, đến mức độ nhà thờ hoặc các tổ chức xã hội thỉnh thoảng vẫn “lên án”, cho rằng đấy là câu chuyện bóng đá đỉnh cao xúc phạm người nghèo. Giờ thì ngược lại, phải chăng đang diễn ra tình trạng ngôi sao “mất giá” trên thị trường chuyển nhượng?
Hầu hết các nhà kinh tế học sẽ khẳng định: “lạm phát” là điều tồi tệ, nhưng sản phẩm “rớt giá” là điều còn tồi tệ hơn. Nếu bạn nghĩ rằng một sản phẩm nào đó ngày mai sẽ rẻ hơn hôm nay, thì bạn khoan vội mua? Đấy là tình trạng “giảm phát”. Nền kinh tế sẽ trở nên ì ạch. Chính quyền không thu được thuế. Nhà máy giảm sản lượng. Công nhân mất việc… Một sự trì hoãn tương tự đang diễn ra trong lĩnh vực kinh tế của bóng đá đỉnh cao?
Ở một khía cạnh khác, thị trường chuyển nhượng trong bóng đá đỉnh cao có hiệu ứng domino. Một CLB sau khi bán cầu thủ X thì việc tiếp theo là phải mua cầu thủ Y để thay thế. CLB đã mua cầu thủ X thì cũng sẽ bán cầu thủ Z sang CLB khác để cân bằng danh sách.
Cứ thế mà luồng chuyển nhượng cầu thủ vận hành, với hệ quả trên lý thuyết là mỗi cầu thủ đều sẽ tìm đến đội bóng, hoặc HLV thích hợp về các đặc điểm chuyên môn. Bây giờ, một đội không mua thì không bán, và các đội khác cũng sẽ như vậy. Đấy là còn chưa kể quy định công bằng tài chính luôn có tính đe dọa cao.
Như đã nêu, chuyển nhượng mùa đông không hấp dẫn như chuyển nhượng mùa hè. Khi “cửa sổ mùa hè” 2024 đã được đánh giá là quá ảm đạm, thì đợt chuyển nhượng mùa đông đang diễn ra trong những ngày này quả khó có thể sôi động hơn. Bản hợp đồng lớn nhất trong mùa hè 2024 chỉ có giá 64 triệu bảng (Julian Alvarez chuyển từ Manchester City sang Atletico Madrid).
Alvarez từ Man City sang Atletico là hợp đồng đắt giá nhất mùa hè 2024
Manchester City lại dẫn đầu về việc… bán ngôi sao, đấy đã là chi tiết nghe có vẻ sai sai thế nào! Ngôi sao lớn nhất trong mùa chuyển nhượng vừa qua, Kylian Mbappe, là cầu thủ chuyển nhượng tự do. Ở giải VĐQG giàu nhất thế giới, Premier League, tổng giá trị chuyển nhượng của “cửa sổ mùa hè” 2024 giảm 40% so với năm trước. Bỏ qua các mùa bóng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid, đấy là đợt chuyển nhượng mùa hè bết bát nhất trong vòng 10 năm ở Premier League.
Đã có nạn nhân là các ngôi sao
Còn ai nhớ Victor Osimhen? Đấy từng là một trong những ngôi sao “nóng” nhất trên thị trường chuyển nhượng. Tất nhiên, tư thế “hàng hot” của Osimhen đi liền với những gì anh đã thể hiện trong màu áo Napoli, từ Serie A cho đến Champions League.
Đại gia nào cũng muốn mua, và cái giá 100 triệu euro mà Napoli đưa ra là khá hợp lý. Rốt cuộc, chẳng ai dám mua Osimhen với giá ấy. Giảm giá còn 80 triệu, rồi 60 triệu euro, Napoli vẫn không bán được Osimhen trong mùa hè vừa qua. Rốt cuộc, Osimhen đến Thổ Nhĩ Kỳ, khoác áo Galatasaray theo hình thức cho mượn.
Adrien Rabiot là một ngôi sao khác, rất đáng chú ý về giá trị chuyên môn nhưng lại lận đận trong khía cạnh chuyển nhượng. Ở tuổi 29, anh là gương mặt quen thuộc trong đội tuyển Pháp (luôn đá chính ở vòng bảng EURO 2024), rất già dặn kinh nghiệm qua các màu áo PSG và Juventus, Rabiot được cho sáng giá trên thị trường chuyển nhượng, nhất là khi anh có tư cách cầu thủ tự do trong mùa hè vừa qua.
Osimhen từng được nhiều đại gia theo đuổi nhưng cuối cùng trôi dạt sang Thổ Nhĩ Kỳ
Nhưng Rabiot chờ mãi, vẫn không có lời mời nào. Cuối cùng, anh chọn được bến đỗ Marseille, khi mùa bóng đã trôi đến giữa tháng 9. Và anh đành chấp nhận mức lương chưa bằng một nửa mức lương cũ, để được chơi bóng.
Không ai xem thường Marseille, Galatasaray, cũng như các giải Ligue 1, Super Lig. Nhưng cứ phải nhìn nhận thực tế Champions League, Premier League, hoặc Real, Barcelona, Bayern Munich là một thế giới khác. Ở một mức độ nào đó, tài năng của Osimhen, Rabiot, và chắc chắn còn nhiều trường hợp tương tự, đang bị thui chột khi họ không được chơi ở đẳng cấp cao hơn (dù rất xứng đáng).
Đây có thể là bài học cho các ngôi sao không muốn ký tiếp hợp đồng dù rất thành công với CLB hiện thời. Có thể bộ ba Van Dijk, Salah, Alexander-Arnold ở Liverpool đang tin chắc rằng họ sẽ được trải thảm rước đến CLB ưng ý khi hết hợp đồng trong mùa hè sắp tới. Vậy, hãy tham khảo trường hợp của Rabiot. Tổng quát hơn, thị trường chuyển nhượng của bóng đá đỉnh cao đang ở trong tình trạng không mấy khỏe khoắn.
Trong bối cảnh Marcus Rashford đang có những động thái gia nhập AC Milan, một ý tưởng táo bạo đã được huyền thoại MU – Dwight Yorke đưa ra, đó là đổi…