Đội bóng nào là vĩ đại nhất trong lịch sử Premier League? Hãy cùng đi tìm 10 đội hình hay nhất trong lịch sử, và hãy nhớ rằng chỉ nói về Premier League chứ không nói các giải khác.
10) Arsenal 1997/98
23 thắng – 9 hòa – 6 thua, 68 bàn thắng/33 bàn thua, 78 điểm
Vì đây là vị trí thấp nhất trong danh sách nên chúng ta cũng phải điểm qua những đội đã không được lựa chọn dù phần nào cũng xứng đáng. Chúng ta có cổ tích Leicester City 2015/16, Chelsea 2016/17 đoạt 93 điểm, nhưng Arsenal 1997/98 vẫn hơn.
Arsenal 1997/98 có một trong những màn bứt phá cuối mùa hay nhất trong lịch sử
Ở thời điểm Arsenal lên ngôi, MU đã được xem là đội mạnh số 1 nước Anh và họ chỉ không may trượt chân ở vòng cuối mùa 1994/95 khiến Blackburn Rovers cướp ngôi. Một khi triệu phú Jack Walker ngừng rót tiền cho Blackburn, MU không còn đối thủ ở đỉnh núi dù Newcastle mùa 1995/96 đã cố gắng tranh chấp. Arsenal là lý do duy nhất không khiến MU vô địch trong tận 5-6 mùa giải liên tiếp.
Cách Arsenal đăng quang cũng rất ấn tượng. 4/6 trận thua trong 2 tháng cuối năm 1997 khiến Arsenal đứng thứ 6 với 12 điểm kém hơn MU khi lễ Giáng sinh tới. Nhưng Arsenal sau đó không thua trận nào cho tới tận tháng 5/1998, lúc này đến lượt họ bỏ cách MU khá xa và chỉ thua 2 trận gần cuối mùa để MU có chút cơ hội bám đuổi trong vô vọng.
Arsenal của mùa này có trong tay dàn cầu thủ xuất sắc ở mọi tuyến: bộ tứ phòng ngự Adams – Bould – Dixon – Winterburn bảo vệ khung thành của David Seaman, Overmars – Parlour – Vieira – Petit quản lý tuyến giữa và trên hàng công Dennis Bergkamp hỗ trợ phía sau Ian Wright. Chưa kể Martin Keown và Nicolas Anelka trên ghế dự bị để Arsene Wenger sử dụng.
9) Man City 2021/22
29 thắng – 6 hòa – 3 thua, 99 bàn thắng/26 bàn thua, 93 điểm
Man City của thời đại Pep Guardiola có rất nhiều đội bóng vĩ đại nhưng Man City 2021/22 dù không quá xuất sắc vẫn xứng đáng một chỗ trong top 10 bởi một lý do: Họ không có tiền đạo cắm thực thụ nào mà vẫn ghi 99 bàn. Đó là nhờ thiên tài sáng tạo Kevin De Bruyne, người xác lập một loạt kỷ lục cá nhân trong mùa giải này và định hình lối chơi tấn công của cả đội.
De Bruyne đạt tới đỉnh cao phong độ trong mùa 2021/22
De Bruyne cũng là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất với 15 bàn, nhưng đáng nói là sự chia sẻ bàn thắng của cả đội Man City. Họ có 16 cầu thủ lập công tại Premier League, trong đó 8 cầu thủ ghi trên 5 bàn và 3 cầu thủ ghi bàn ở con số hàng chục.
8) Man Utd 1993/94
27 thắng – 11 hòa – 4 thua (mùa giải 42 vòng), 80 bàn thắng/38 bàn thua, 92 điểm
Đây là đội bóng vĩ đại đầu tiên của Sir Alex Ferguson tại Old Trafford. Mặc dù mùa trước họ đã vô địch Anh nhưng sang mùa này cỗ máy lại càng hoàn thiện với Eric Cantona, Mark Hughes, Roy Keane, Paul Ince, Steve Bruce và Peter Schmeichel đồng loạt tỏa sáng. Đáng nói là dù đá 42 vòng, đội hình MU gần như không xoay vòng với chỉ 14 cầu thủ ra sân hơn 5 trận, 3 cầu thủ dự bị ra sân nhiều nhất của “Quỷ Đỏ” cũng là hảo thủ, gồm Lee Sharpe, Brian McClair và huyền thoại Bryan Robson.
7) Man Utd 2007/08
27 thắng – 6 hòa – 5 thua, 80 bàn thắng/22 bàn thua, 87 điểm
Đây có thể xem là lúc cỗ máy chiến thắng thế hệ thứ 3 của kỷ nguyên Ferguson đạt tới hoàn thiện. Chỉ riêng bộ ba tấn công Ronaldo – Rooney – Tevez đã ăn đứt cả phần còn lại của Premier League, nhưng Fergie còn có Ferdinand – Vidic ở hàng thủ, Van der Sar trong khung thành và Scholes – Giggs – Carrick ở giữa sân. Đó là chưa kể dàn dự bị gồm Nani, Saha, Park Ji Sung, O’Shea, v.v…
MU của mùa 2007/08 là một trong những nhà vô địch Premier League ghi bàn ấn tượng nhất
Sức mạnh của MU lúc này đủ để thổi bay mọi đối thủ. 27 trận thắng thì 11 trận họ mang về 3 điểm sau khi hạ đối phương với cách biệt từ 3 bàn trở lên.
6) Man City 2022/23
28 thắng – 4 hòa – 4 thua, 93 bàn thắng/31 bàn thua, 84 điểm
Vấn đề không phải là đội hình này có xứng đáng đứng trong top 10, mà là đứng ở đâu. Mặc dù đây là mùa giải ăn ba nhưng chúng ta chỉ đang nói về Premier League và ở đấu trường này Man City không thực sự áp đảo do sự nổi lên của Arsenal. Lý do chủ yếu xoay quanh sự gia nhập của một trong những tiền đạo nổi tiếng nhất thế giới hiện tại.
Nếu phiên bản 2021/22 của Man City chia sẻ bàn thắng giữa nhiều cầu thủ với nhau, mùa 2022/23 gần 40% bàn thắng của “The Citizens” được ghi bởi Erling Haaland. Dù vậy nửa đầu mùa giải Man City không quen với sự thay đổi này, cho tới sau khi World Cup kết thúc: 14 thắng – 1 hòa trong 15 trận tiếp theo, 40 bàn thắng & 11 bàn thua.
Man City của mùa 2022/23 đăng quang Premier League dù phải căng sức trên 3 mặt trận cùng lúc
Khi mọi thứ được định hình ở nửa sau mùa giải, Man City cực kỳ áp đảo mặc dù họ hay đổi sơ đồ và nhân sự. Sự thay đổi con người đáng sợ tới mức trong 11 cầu thủ đá nhiều nhất mùa 2021/22, Man City chỉ giữ lại 6 người cho mùa giải kế tiếp nhưng vẫn bảo vệ chức vô địch thành công.
5) Man Utd 1999/2000
28 thắng – 7 hòa – 3 thua, 97 bàn thắng/45 bàn thua, 91 điểm
Đội hình này bị lãng quên vì cú ăn ba một mùa trước đó, nhưng MU 1998/99 thực ra không ấn tượng lắm ở Premier League. Sang mùa 1999/2000 họ hoàn toàn không có đối thủ, bỏ xa Arsenal 18 điểm và cũng ghi nhiều hơn tận 24 bàn thắng.
Đội hình của MU tốt tới mức họ không có thủ môn giỏi nhưng vẫn không có vấn đề gì. Những cái tên Sir Alex tung ra thực sự không phải bàn về mặt trình độ: Gary Neville, Stam, Phil Neville, Beckham, Giggs, Scholes, Keane, Cole, Yorke, Solskjaer, Sheringham, Irwin.
4) Arsenal 2003/04
26 thắng – 12 hòa – 0 thua, 73 bàn thắng/26 bàn thua, 90 điểm
Đội bóng đáng nhớ nhất của kỷ nguyên Wenger, nhưng khi đặt lên bàn cân với tất cả các đội bóng của mọi thời đại thì Arsenal 2003/04 không còn ấn tượng. Họ không thua nhưng hòa rất nhiều, trong đó ở cuối mùa giải hòa tới 5/9 vòng cuối cùng. Bất tử? Đội bóng này xứng đáng được tôn sùng như thế. Vĩ đại nhất? Khó có thể nói vậy.
Arsenal bất bại: Không ai thắng được họ, nhưng cũng hòa rất nhiều
Dù vậy chất lượng của đội hình Arsenal mùa đó vẫn khó có thể bị phủ nhận, Patrick Vieira và Gilberto Silva bảo đảm cho hàng thủ của đội chủ sân Highbury khó bị xuyên thủng, trong khi Thierry Henry đang ở đỉnh cao phong độ và đoạt Vua phá lưới với 30 bàn. Trong lịch sử bóng đá châu Âu trước đó đã có những đội cả mùa bất bại nếu mùa giải kéo dài từ 30 vòng trở lên (Perugia 1978/79), nhưng Arsenal là đội đầu tiên vô địch (Preston North End cũng vô địch Anh mùa 1888/89 nhưng đá có 22 trận).
3) Chelsea 2004/05
29 thắng – 8 hòa – 1 thua, 72 bàn thắng/15 bàn thua, 95 điểm
Chelsea của Jose Mourinho là ví dụ tiêu biểu cho quan điểm “anh không cần thích họ, vì họ không cần”. 15 bàn thua có lẽ là kỷ lục sẽ không đội nào có thể phá được và Chelsea của mùa đầu tiên thời Mourinho thậm chí còn rất mượt trong tấn công dù không ghi quá nhiều bàn. Trong khi Arsenal của mùa trước đó đôi lúc cố thủ để giữ tỷ số hòa và đỡ mất kỷ lục bất bại, Chelsea không hề chỉ phòng ngự phản công như người ta nghĩ (bởi nếu vậy họ sẽ khó bắt nạt được các đội yếu hơn).
Một điều không thể bỏ qua là việc đoạt chức vô địch trong mùa này với số điểm rất lớn và tính tổ chức tuyệt vời, Chelsea cũng khiến tất cả các cầu thủ đá chính của họ vươn lên thành ngôi sao lớn. Cech, Terry, Carvalho, Lampard, Joe Cole, Robben, Drogba đều trở thành cầu thủ hàng đầu từ mùa này, và trong đội hình chỉ Claude Makelele đã có tiếng tăm từ trước.
2) Liverpool 2019/20
32 thắng – 3 hòa – 3 thua, 85 bàn thắng/33 bàn thua, 99 điểm
Man City của Pep Guardiola thống trị Premier League tới mức nếu không có Liverpool 2019/20, đến thời điểm này họ có lẽ đã đăng quang 6 mùa giải liên tiếp. Mùa đó Liverpool “làm cỏ” cả nước Anh trong 27 vòng đầu: 26 thắng – 1 hòa. Sau trận thua bất ngờ trước Watford, dịch Covid-19 làm mùa giải tạm dừng và khi đá lại Liverpool chỉ thắng 6/11 vòng cuối nên không đạt đủ 100 điểm.
Liverpool không có đối thủ trong phần lớn mùa giải, thậm chí cầm hòa được họ cũng đã là kỳ tích
Klopp có trong tay một cỗ máy quá hoàn thiện, bao gồm một trong 3 thủ môn hay nhất thế giới khi đó, trung vệ có lẽ hay nhất thế giới, cặp hậu vệ cánh kiến tạo nhiều nhất châu Âu, cùng bộ ba tiền đạo ghi bàn nhiều nhất châu lục. Trên ghế dự bị ông thậm chí có Divock Origi, người được các fan xưng tụng là tiền đạo tâm linh nhất thế kỷ XXI của Liverpool.
1) Man City 2017/18
32 thắng – 4 hòa – 2 thua, 106 bàn thắng/26 bàn thua, 100 điểm
Mùa giải khởi đầu của triều đại Pep Guardiola. Khi ông mới đến dư luận Anh cho rằng ông sẽ khó thành công ở “giải đấu khốc liệt nhất thế giới”, nhưng sau mùa này sự hoài nghi buộc phải chuyển sang mặt trận Champions League. Cũng phải thôi, bởi Pep khiến việc vô địch Anh trở nên quá dễ đối với ông.
Man City của mùa này xác lập kỷ lục điểm số, kỷ lục điểm số sân khách, kỷ lục bàn thắng, kỷ lục chuỗi trận thắng dài nhất, và bỏ xa MU của Jose Mourinho tận 19 điểm. Sergio Aguero ghi 21 bàn và Raheem Sterling góp 18 bàn, nhưng cái người ta chú ý nhất là bảng kiến tạo: De Bruyne, Sane, David Silva và Sterling không ai kiến tạo dưới 10 lần.
Không chỉ là 100 điểm, Man City xác lập một loạt kỷ lục khác trên đường lên ngôi vô địch
Nguồn: [Link nguồn]Nguồn: [Link nguồn]
Ten Hag đang bị sếp mới của MU đánh giá năng lực để quyết định giữ hay sa thải.